Kinh tếMôi trường rừng

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chi trả DVMTR

11:02 - Thứ Năm, 29/09/2022 Lượt xem: 3099 In bài viết

ĐBP - Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Để bảo vệ và duy trì hơn 393.055ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng  (DVMTR) trên địa bàn tỉnh, trải dài khắp 10 huyện, thị xã, thành phố, với 4.152 chủ rừng là hết sức khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, số hóa cơ sở dữ liệu về diện tích rừng được chi trả DVMTR, quản lý các đối tượng sử dụng và cung ứng DVMTR. Nhờ vậy, việc theo dõi, quản lý diện tích chi trả DVMTR thực hiện khoa học hơn, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, phù hợp với xu thế thời đại và chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong theo dõi, quản lý chi trả DVMTR là cơ sở phục vụ công tác xác định diện tích rừng, kiểm tra, giám sát và chi trả DVMTR. Trong ảnh: Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền DVMTR cho người dân xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông.

Để việc theo dõi, quản lý diện tích được chi trả DVMTR khoa học, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, từ ngày 21/12/2021 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã khai thác hệ thống thông tin chi trả DVMTR tỉnh Điện Biên chạy trên phần mềm v5PFES (là một trong những ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực chi trả DVMTR) để chuẩn hóa dữ liệu chi trả DVMTR.

Ngoài các tính năng như: chuẩn hóa dữ liệu diễn biến rừng, truy xuất bảng biểu, tô màu bản đồ, quản lý dữ liệu, phần mềm v5PFES còn có tính năng xây dựng bản đồ chi trả DVMTR. Cụ thể là xây dựng cấu trúc dữ liệu, cập nhật vùng chi trả, đối tượng chi trả, xác định vùng khó khăn, cập nhật hệ số K, xác định mức chi trả. Từ đó tính toán được diện tích chi trả và lượng tiền chi trả cho từng lô rừng và từng chủ rừng có cung ứng DVMTR. Một trong những tính năng nổi bật của phần mềm phải kể đến đó là truy xuất thông tin. Theo đó, việc sử dụng phần mềm sẽ hỗ trợ quản lý và truy xuất thông tin đến từng chủ rừng, từng lô rừng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng; qua đó giúp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng triển khai công tác kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR một cách nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Để việc triển khai phần mềm v5PFES đạt hiệu quả, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm v5PFES xây dựng bản đồ chi trả DVMTR cho các nhân viên kỹ thuật thuộc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Nhân viên kỹ thuật phụ trách địa bàn từng huyện sẽ được cấp 1 tài khoản để đăng nhập và tiến hành cập nhật thay đổi các thông tin từng lô rừng của chủ rừng trên phần mềm v5PFES, phục vụ công tác chi trả DVMTR của đơn vị một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, qua gần 1 năm triển khai, việc ứng dụng phần mềm V5 PFES vào xây dựng bản đồ chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng hệ thống thông tin, dữ liệu và bản đồ chi trả DVMTR hàng năm. Đồng thời thực hiện công khai, minh bạch trong công tác chi trả tiền đến các chủ rừng có diện tích rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn toàn tỉnh.

Cùng với ứng dụng v5PFES, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám để phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng... góp phần đánh giá tài nguyên rừng một cách hiệu quả làm cơ sở phục vụ công tác xác định diện tích rừng, kiểm tra, giám sát và chi trả DVMTR.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tiếp tục triển khai việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, xây dựng bản đồ số lâm nghiệp và sẵn sàng kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đối với người lao động trong đơn vị, chủ rừng và các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số của đơn vị, phục vụ quản lý và phát triển sản xuất lâm nghiệp, nhằm cung cấp dữ liệu, thông tin kết nối với các nền tảng số đơn vị và của ngành.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top